Bến đợi16:01 / 03.01.2015 480 - Chia sẻ : 9.5 /10 |
Trông bác Dương không ai nghĩ bác có thời đã từng là trưởng phòng, thư ký công đoàn ngành ngoại thương của một tỉnh vì khuôn mặt hiền khô, phong cách chân thành giản dị và mộc mạc. Ngần ấy năm, giọng bác vẫn lơ lớ trầm đục đặc trưng của đàn ông Quảng Trị, nghe giọng nói đã có thể đoán được tương đối chính xác gốc quê. Chuyện về bác Dương nhiều lắm song tôi chỉ dám cắt lấy một phần rất nhỏ trong hành trình của bác để kể ra đây.
Bác Dương vốn người Quảng trị. Ông bà thân sinh ra bác mất trong những năm kháng chiến chín năm chống pháp, lúc đó cậu bé Dương mới độ năm tuổi.Vào một sáng, khi cậu bé Dương cùng chị Thắm chơi đùa bên thềm nhà, bỗng nghe tiếng máy bay ù ù..ù ù. Chiếc máy bay bà già nặng nề đen như một con quạ bay qua làng rồi vòng lại. Trong một thoáng cả làng im lặng, không còn tiếng xôn xao từ đầu làng đến cuối làng, không còn tiếng trẻ nhỏ, không còn tiếng chim hót, tiếng gió. Không gian im lặng đầy sợ hãi và chết chóc. Mọi người tìm chỗ nấp. Chị Thắm túm hai em đẩy vào gầm chiếc chõng nan. Tiếng bom nổ, dội chát chúa ùng…oàng…oàng như xé nát không gian. Đất trời như bị rung lắc. Tiếng bom dội đi rất xa, rất xa đến tận mấy xã bên ùng oàng….oàng, dội lại ùng…oàng. Và rồi cả làng nhốn nháo, mọi người chạy đến chỗ bom vừa nổ. Có ai đó kêu lên: Pháp ném bom vào làng rồi! Bớ bà con.. Bà con ơi ! Bố mẹ bác mất vào cái buổi sáng đó. Ngày ấy cậu bé Dương không lưu giữ được bao nhiêu hình ảnh của cha của mẹ, cũng chẳng ý thức được về cái chết. Mọi người quấn lên đầu cậu chiếc khăn trắng, đưa cậu đến đứng trước hương án. Mọi người nói bố mẹ cậu đi tới một nơi nào đó rất xa, rất xa. Điều cậu cảm nhận được ngay sau đó là sự trống vắng, cô đơn khi căn nhà không còn cha mẹ. Mấy chị em bơ vơ, ngơ ngác như chim non mất tổ. Chị Thắm đi ở đợ lấy gạo nuôi các em. Bé Dương được một người bà con trong xã đón về nuôi, ngày ngày chăn trâu, cắt cỏ. Chiến tranh ác liệt, giặc càn đi càn lại, người dân trong xã tứ tán khắp nơi, người vào du kích, người vào bộ đội, người chạy vào khu trong. Mấy chị em mỗi người một nơi, không có tin tức gì về nhau cho tới ngày nay.